Tinh
dầu được chưng cất từ hoa, lá cây, thân cây, vỏ cây và rễ cây. Nó có tác
dụng đến hệ thống sinh lý trong cơ thể một cách trực tiếp hoặc gián
tiếp. Ví dụ, chỉ với một vài giọt tinh dầu bạc hà uống có thể giúp dễ
dàng trong việc tiêu hóa, trong khi hít một chút ít dầu hoa oải hương sẽ
có tác dụng giúp cho dầu óc của chúng ta được thư giãn.
Tác
dụng tốt nhất được biết đến của tinh dầu là giúp cho chúng ta có cảm
giác thư giãn và giảm căng thẳng, chống mất ngủ. Tinh dầu oải hương
(Lavender) là sự lựa chọn phổ biến nhất cho mục đích này. Một nghiên cứu
thực hiện tại bệnh viện Memorial Sloan – Kettering ở New York cho thấy
sự cải thiện trong cảm giác hạnh phúc ở những bệnh nhân được điều trị
bằng liệu pháp tinh dầu hoa oải hương khi so với bệnh nhân được điều
trị bằng xoa bóp hoặc nghĩ ngơi. Một nghiên cứu khác công bố trên Tạp
chí Holistic Nurse Practice số tháng 3 năm 2008 cho thấy, những y tá sử
dụng liệu pháp tinh dầu hoa oải hương thì có tâm trạng căng thẳng ở
mức độ thấp nhất. Ngoài tinh dầu hoa oải hương thì một số tinh dầu khác
cũng đã được chứng minh có tác dụng này: phong lữ (Geranium), hoa cúc
(Chamomile), cây từ tô hiền (Clary Sage), và dầu hoa cam (Neroli).
Khả
năng tăng cường tính miễn dịch của các loại tinh dầu cũng là một tác
dụng được biết đến nhiều. Tinh dầu có thể được khuếch tán vào không khí
để làm sạch và khử độc không khí một cách tự nhiên. Sự khuếch tán của
các loại dầu có thể làm giảm số lượng các tác nhân gây bệnh trong không
khí, giúp chúng ta có một bầu không khí ít vi trùng hơn. Ngoài ra, các
loại tinh dầu có thể giúp cơ thể cải thiện cách thức đáp ứng lại với
các tác nhân gây bệnh mà chúng ta gặp phải. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ
ra rằng hiệu quả kháng virus của các loại tinh dầu có được nhờ vào sự
cải thiện khả năng của các tế bào lympho trong việc chống lại các tác
nhân xâm nhập bằng cách thay đổi màng tế bào của chúng ta để ngăn chặn
virus xâm nhập vào. Một số loại tinh dầu có thể được sử dụng để giúp
ngăn ngừa nhiễm trùng như gồm bạch đàn (Eucalyptus), chanh (Lemon), và
quế (Cinnamon)…
Tinh
dầu cũng thường được sử dụng cho việc điều trị đau. Chúng có thể được sử
dụng để làm giảm hiện tượng viêm, có thể dùng để gây tê tại chổ, giảm
co thắt, và tạo một cảm giác mát lạnh hoặc ấm nóng tuỳ thuộc vào loại
dầu được chọn. Một ví dụ điển hình trong việc điều trị đau là các loại
tinh dầu sử dụng lúc mang thai và sinh con. Từ lâu, các nữ hộ sinh đã sử
dụng các loại tinh dầu để giúp sản phụ chống lại các cơn co thắt.
Nghiên cứu cho thấy một bồn tắm hoa oải hương trước khi sinh có thể giúp
cho quá trình sinh nở được thuận lợi và giảm được nhu cầu sử dụng
thuốc giảm đau. Việc sử dụng các thuốc giảm đau cho người mẹ cũng trực
tiếp ảnh hưởng đến em bé. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí
International Journal of Aromatherapy cho thấy sử dụng tinh dầu massage
trị liệu trong các bài tập cho sản phụ bị suy thai đã giúp cho tim
thai trở lại bình thường. Đau mạn tính và đau cấp tính không liên quan
đến thai kỳ cũng có thể giảm được bằng cách sử dụng tinh dầu hoa oải
hương (Lavender) cũng như hiền từ tô (Clary Sage), hoa cúc (Chamomile),
kinh giới ngọt (Sweet Marjoram), gỗ đàn hương (Sandal Wood) và cỏ
Vetiver.
Tóm
lại, liệu pháp tinh dầu là một phương thức tự nhiên mang lại nhiều hiệu
quả trong việc giảm căng thẳng, chống mất ngủ, chống nhiễm trùng và
giảm đau… Khi chọn lựa một loại tinh dầu cho mục đích điều trị cần phải
tìm hiểu kỹ tác dụng và đặc tính của mỗi loại tinh dầu cũng như những
chống chỉ định liên quan đến nó. Những lợi ích về mặt sức khoẻ như trên
chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh tổng thể về lợi ích của
tinh dầu và hy vọng người sử dụng tinh dầu sẽ mở ra nhiều khám phá mới
về lợi ích của món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.
ThS. Bs Nguyễn Tất Bình
(Tổng hợp từ Natural Medicine)
**** Hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa, liệu trình và cách thực hiện ***